Đầu năm 1975, trước những chuyển biến mau lẹ trên chiến trường, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Bằng các đòn tiến công chiến lược như: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng và đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm sụp đổ hoàn toàn chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa sau hơn 20 năm đế quốc Mỹ dựng nên.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và mang tầm vóc thời đại. Chiến thắng này đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là bài học về tạo thời cơ, nắm thời cơ, chớp thời cơ vào những thời điểm quyết định. Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến dịch, Học viện Quốc phòng về nội dung này.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến dịch, Học viện Quốc phòng.
Tất cả các quân đoàn cơ động tiếp cận với Sài Gòn với một thế trận bao vây
PV: Để thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức hành quân thần tốc từ xa, trên nhiều hướng để tập trung lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng – Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây có được coi là một trong những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc?
Đại tá Nguyễn Quốc Thanh: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, cùng nhìn lại thời khắc lịch sử đó để càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Trong đó, việc tổ chức hành quân thần tốc để tập trung lực lượng là một trong những nét đặc sắc nhất. Một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nét đặc sắc đó là thể hiện của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để gấp rút đẩy nhanh, mạnh tốc độ hành quân, bảo đảm cho trận quyết chiến giành toàn thắng.
Theo dõi những chuyển biến trên chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định thời cơ chiến lược đã chín muồi. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực Quân ủy ký bức điện gửi đến toàn mặt trận với nội dung; “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
Theo mệnh lệnh thần tốc, các quân đoàn lập tức hành quân xa trên nhiều hướng để tập trung lực lượng. Ví dụ như Quân đoàn 1 đang đứng chân ở Ninh Bình, chỉ có 4 ngày làm công tác chuẩn bị cho hơn 30.000 người hành quân thần tốc 12 ngày đêm, trải qua một chặng đường dài hơn 1.700 km để đến vị trí tập kết Đồn Xoài bằng đường thủy, đường sắt và đường bộ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tác chiến. Như vậy là tất cả các quân đoàn đã cơ động tiếp cận với Sài Gòn với một thế trận bao vây tạo nên một thế hiểm và mạnh, sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
PV: Khi nghiên cứu về lịch sử quân sự, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong chiến tranh, thời gian là lực lượng, thời gian là sức mạnh. Điều này được minh chứng rõ nét, sinh động trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Quốc Thanh: Nhận định đó thì hoàn toàn đúng và rất phù hợp với nghệ thuật quân sự. Vấn đề đó cũng được thể hiện rõ nét trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước thời khắc giải phóng Đà Nẵng, vào lúc 18h ngày 27/3/1975, trong bức điện của Bộ Chính trị gửi cho Chiến dịch đã nhận định và đánh giá như sau: Trong lúc này, thời gian là lực lượng, phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay.
Vì sao chúng ta xác định thời gian là sức mạnh, là lực lượng? Vì trong quân sự, tư tưởng chắc thắng và thần tốc luôn luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Như chúng ta đều biết, nghệ thuật tạo thời cơ, nắm thời cơ và hành động đúng thời cơ là một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi. Nhưng thời cơ thường chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, để chớp lấy thời cơ đó thì yếu tố thời gian là vấn đề hết sức quan trọng.
Ở đây, khi thời cơ chiến lược xuất hiện, chúng ta cũng bắt đầu cuộc chạy đua với thời gian. Cuộc chạy đua thời gian này càng ngày càng trở nên gấp rút. Khi cả ta và địch đều rất chú ý đến sử dụng yếu tố thời gian. Âm mưu của địch là ngăn chặn đà tiến công của ta, cho đà tiến công của ta chậm lại, kéo dài cuộc chiến đến mùa mưa để họ còn có hy vọng và một cách nào đó, một lực lượng nào đó cứu họ.
Còn ta thì ngược lại, chúng ta thần tốc và giáng sức tiêu diệt chúng trước mùa mưa. Yếu tố thời gian đã trở thành lực lượng và sức mạnh khi ta hình thành thế bao vây chặt Sài Gòn với thời gian ngắn nhất. Như tôi vừa nói, tất cả các quân đoàn hành quân thần tốc từ tất cả các hướng để tiến về Sài Gòn. Chớp thời cơ, 17h chiều 26/4/1975, ta nổ súng mở màn chiến dịch.
Từ 5 hướng, các quân đoàn đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Đến ngày 28/4, ta đã chọc thủng tuyến vòng ngoài. Từ chiều 29/4, quân ta tổng tiến công, các quân đoàn tiến công theo cách đánh hành tiến, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công và nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu. Các quân đoàn khi tiến về Sài Gòn đều đánh theo cách hành tiến, đảm bảo yêu cầu về thời gian. Thời gian là lực lượng ở chỗ đó.
